Triết lý nhân sinh trong nụ cười linh vật - Tết Nhâm Dần

Bài viết được trích nguồn từ www.vnexpress.net và Công Ty Minh Long I.

Nội dung: Hoài Nhơn | Ảnh: Vinh Đạt | Thiết kế: Tấn Nguyễn | Kỹ thuật: Thái Hưng

Đối lập sự hung dữ nguyên bản, tượng hổ sứ Minh Long hữu hình hóa ước mơ năm mới hanh thông qua dáng vẻ doanh nhân có khát vọng, tĩnh tại ngồi thiền, cầm ngọc Như Ý.

“Người mạnh nhất, xứng đáng làm bá chủ thế gian có chân dung thế nào?”, ông Lý Huy Sáng - Phó tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I mở đầu câu chuyện về bộ tượng linh vật cho năm 2022.

Giải đáp, ông dẫn một tích xưa trích trong cuốn sách Cái dũng của thánh nhân (Nguyễn Duy Cần). Để tranh quyền bá chủ, Thần Sấm thị uy bằng tiếng nổ, Thần Bão tố gọi giông đen, Thần Âm nhạc thôi miên qua điệu nhạc. Trái ngược với phản ứng của các thần, có một vị tĩnh tâm ngồi thiền, không lóa mắt vì sấm sét, không kinh động trước bão giông, không động lòng khi nghe sáo. Đó là cũng là vị thần được chọn - người đại diện cho sự Điềm đạm.

“Khi chiến thắng chính bản thân, chúng ta sẽ vượt qua mọi hỗn loạn thời cuộc. Vì vậy trong những bức tượng năm nay, Minh Long lựa chọn gửi gắm triết lý: sức mạnh nội tại là vũ khí lớn nhất của mỗi người”, ông Huy Sáng nhấn mạnh.

Sức mạnh nội tại toát lên qua phong thái uy nghi của tượng hổ Khát Vọng, thế thiền định điềm tĩnh của tượng hổ An Lạc hay sự vui tươi giàu sức sống trên tượng hổ Như Ý, ngụ ý lời chúc năm mới sung túc an lành, vượt mọi thử thách trong bối cảnh Covid-19 quá nhiều nốt trầm. Tổng hòa kỹ thuật chế tác tỉ mỉ, ngôn ngữ thiết kế giàu ẩn ý, thủ pháp nhân cách hóa của Gốm sứ Minh Long, mỗi bức tượng không chỉ thể hiện nét đẹp phần dáng mà còn uy phần hồn, tạc thần thái như chúa sơn lâm bước ra từ rừng xanh, ngự thành món quà gửi trao năm mới.

Hổ, vốn đóng khung với sự hung hãn bằng hình ảnh “chúa sơn lâm gầm một tiếng, cả núi rừng bạt kinh”. Thế nên khi ví von về hành động nguy hiểm, thành ngữ đều mượn hình ảnh: “vuốt râu hùm”, “đùa với hổ” hoặc một cách dân dã hơn, ông bà nói: “sợ như sợ cọp”, “dữ như hổ”…

Nhưng với tượng linh vật mang hàm ý đại diện cho năm mới, mạng tuổi một con người, nếu sao chép nét dữ tợn khiến người nhìn sợ hãi, ý nghĩa gần như không thể vẹn toàn. Thế nên vị tổng công trình sư - ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I mất nhiều tháng tìm kiếm lời giải cho bài toán: tạo nên bức tượng vẫn uy dũng nhưng trong một dáng vẻ hiền hòa, ai nhìn cũng yêu.

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I

Đi qua nhiều nơi, đọc hàng trăm tựa sách, những dữ kiện ông Minh thu thập mỗi ngày trở thành hình mẫu của chú hổ Minh Long, độc nhất và không trùng lặp. Nhưng không chỉ đơn giản là góp nhặt và sao chép từ thiên nhiên, ông dùng hệ quy chiếu phản diện để vẽ ra một chú hổ không hề nhe nanh múa vuốt như lối minh họa thông thường mà có dáng thư thái ngồi, miệng mỉm cười, đôi mắt tràn ý tươi vui.

Hổ dữ mà biết cười, sự ngược đời ấy chứa bên trong ý tứ sâu xa của người nghệ nhân chế tác.

Từ khi thành lập đến nay, qua hơn 5 thập kỷ, Minh Long I phát triển nhờ bộ 5 nguyên tắc do ông Lý Ngọc Minh xây dựng. Trong đó, người đứng đầu hãng gốm sứ lớn nhất Đông Nam Á chú trọng “vui vẻ, cởi mở”. Bởi lời chào cao hơn mâm cỗ, chào nhau bằng nụ cười là để chạm đến sự chân tình, làm việc với đối tác, trò chuyện cùng bạn bè đều thêm thuận lợi.

Nụ cười có sức mạnh lớn lao, chính vì vậy được chọn làm điểm nhấn trên gương mặt của ba bức tượng. Nhưng lời giải này viết ra cũng không hề dễ dàng.

“Để vẽ được nét cười hoàn hảo nhất, chúng tôi phải vất vả mấy tháng trời”, ông Minh nói. Nếu cười nhiều quá, khuôn mặt sẽ thiếu nét oai phong. Giảm bớt cường độ, người đối diện lại thấy dữ tợn. Đi tìm sự cân bằng, không ít mà cũng chẳng được nhiều, là một hành trình cân não của người chế tác. Mỗi ngày sửa từng chút, từ cọng râu, độ mở của hàm, viền cong khuôn miệng đến cơ mặt… đều phải tính toán đến từng phân số nhỏ nhất. Không ít lần sai hỏng, đội ngũ không ai nản lòng, tiếp tục thử nghiệm, tìm tòi, để cuối cùng đúc nên những “nụ cười vừa phải, dễ mến”.

Nét cười ở miệng, nhưng cũng ẩn hiện trong ánh mắt. Cặp mắt là chi tiết mà đội ngũ hoàn thiện cuối cùng vì nó tạo thần thái nên cũng là quan trọng nhất, mất nhiều công sức tinh chỉnh, phối màu.

Đặc biệt hơn, mỗi chú hổ mang một ý cười, nói lên những ngôn ngữ rất riêng.

Tượng Khát Vọng đi theo lối tả chân truyền thống, lấy nguyên bản là chúa sơn lâm chốn rừng sâu nhưng nhân cách hóa thành một vị doanh nhân dày dặn kinh nghiệm nơi thương trường. Thế ngồi chồm về trước trên phiến đá lộ rõ cơ bắp vạm vỡ, đôi mắt sâu tinh anh, tai vểnh cao, môi trên và dưới mím lại, hai khóe miệng kéo dài tạo thành nụ cười hài lòng, tự tin.

Ông Minh bình luận, dáng điệu này gợi liên tưởng về chúa sơn lâm đứng trên đỉnh núi cao nhất của khu rừng, phóng tầm mắt bao quát bốn phương, chuẩn bị kế hoạch để ngự trị cả vùng trời. Dụng ý của người nghệ nhân là mô phỏng tâm thế nhân vật đứng đầu doanh nghiệp: ở vị trí cao nhất, họ luôn tràn đầy hoài bão, ngày đêm hoạch định chiến lược để dẫn đầu thị trường. Đi qua bao nhiêu cột mốc thăng trầm, người doanh nhân đối diện với mọi khó khăn bằng phong thái tự tin, thách thức càng dày sức mạnh nội hàm càng lộ rõ để hướng tới mục đích cao nhất là đóng góp cho cộng đồng.

Như với Minh Long, Covid-19 gây ra những biến động chưa từng có suốt hai năm qua. Khó chồng khó, thậm chí có lúc phải đóng cửa nhà máy, nhưng ông Lý Ngọc Minh cùng ban lãnh đạo sớm vượt qua sự lo lắng phút đầu, tìm kiếm cơ hội trong cái nguy khó lường của thời cuộc, tiếp tục duy trì vị thế trong ngành gốm sứ.

Đơn cử nếu không thể duy trì 100% dây chuyền thì chuyển sang “ba tại chỗ”, đảm bảo cung ứng nguồn hàng. Đến khi dịch bùng phát mạnh, số ca nhiễm tăng, nhà máy buộc phải đóng cửa thì phòng nghiên cứu tăng cường công suất thực hiện những kế hoạch dang dở. Tình hình tạm ổn, Minh Long là một trong hai đơn vị mở cửa sớm nhất tại Bình Dương, thực hiện nghiêm ngặt quy tắc phòng dịch để sớm khôi phục sản xuất ngay đầu tháng 10. Song song, kênh bán hàng dần mở rộng sang các trang trực tuyến, nỗ lực tiếp cận người dùng.

Nếu tượng Khát Vọng mang nụ cười tự tin, thì hổ An Lạc lại mỉm cười với phong thái điềm tĩnh, thư thái. Sử dụng thủ pháp sáng tạo, nghệ nhân vẽ nên chú hổ với vẻ ngoài cách điệu, nhân hóa đậm nét hơn, không còn bộ lông đậm màu hoang dã mà thay thế bằng màu áo lam. Trong tư thế ngồi thiền, nét ung dung hiện rõ. Nhưng hổ kia không hề nghỉ ngơi mà đang tĩnh lặng lấy lại năng lượng, chuẩn bị cho cuộc chinh phục mới, tốt đẹp và nhiều thành công.

“Lo lắng, buồn rầu sẽ không giải quyết được gì cả. Vì vậy dù chuyện gì xảy ra, tôi cũng mang tâm thế bình tĩnh, từ từ sẽ tìm ra cách. Cuộc sống phải tìm cách thích nghi, không ai mong muốn dịch bệnh nhưng Covid-19 đến và không chịu đi, mình buộc phải tìm lối rẽ để duy trì hoạt động”, ông Minh nhấn mạnh.

Có ngồi xuống tĩnh tâm, mới ngộ ra rằng mọi thứ trên đời đều tồn tại hai mặt, đối lập nhưng cũng bổ sung cho nhau. Như lũ quét, có tàn phá nhưng cũng là tái sinh. Lũ đưa dòng nước về gây ngập lụt nhưng bồi đắp phù sa, loại bỏ sâu rầy dịch bệnh. Nên bây giờ mọi người sống chung với lũ, thậm chí trông lũ vì mang tới tôm cá, phù sa, mùa màng xanh tươi, không sâu bệnh… Tương tự, Covid-19 một mặt gây đau thương và biến cố nhưng cũng tỉnh thức để mỗi người chúng ta nâng niu sức khỏe, chú trọng những niềm vui giản dị như được quây quần cùng gia đình bên mâm cơm nóng, nói những câu chuyện không đầu không cuối với bạn bè, cuối tuần thảnh thơi khám phá một địa điểm thú vị…

Chính trong lúc tạm dừng sản xuất, ông Minh có thêm thời gian suy ngẫm, tái cấu trúc doanh nghiệp, thực hiện những kế hoạch dang dở và cải tiến khoa học kỹ thuật. Vì thế năm qua, hãng liên tiếp ra mắt nhiều công trình đánh dấu bước tiến lớn về công nghệ gốm sứ như nồi dưỡng sinh 100 lít, bộ nồi 4-6 món nấu trong lò nướng, màu hoàng kim (kim sa), tử sa nâu, loạt sản phẩm hướng tới sức khỏe - ly sứ, bình sứ…

Bức tượng thứ ba - Như Ý - mang nụ cười hồn nhiên như một người trẻ. Khuôn miệng của chú có phần hé mở, nét cười đậm hơn, thể hiện sự gần gũi, thân thiện, niềm hân hoan chào đón năm mới. Trên tay phải, chú cầm ngọc bội Như Ý. Theo quan niệm dân gian, miếng ngọc tượng trưng cho mong muốn của mọi người. Có Như Ý trong tay sẽ muốn gì được nấy, cuộc sống đủ đầy, sung túc, nên tặng bức tượng hàm nghĩa may mắn, tài lộc sẽ đến nhà.

Để tạo nên tượng linh vật, bàn tay nghệ nhân không chỉ nắn phần dáng mà còn phải thổi nét hồn. Yếu tố mỹ thuật tôn lên tối đa nhờ kỹ thuật chế tác vươn tầm thế giới mà Minh Long sở hữu như nung một lần nhiệt độ cao 1.380 độ C, kỹ thuật màu dưới lớp men, màu hỏa biến…

Tuy là “cây đại thụ” trong làng gốm sứ Việt, Minh Long cũng đối diện không ít khó khăn để cho ra lò những sản phẩm như ý.

“Khó vô cùng! Lần đầu tiên tả chân một con vật mà khó đến vậy. Bởi phải diễn tả làm sao vừa thật mà cũng vừa hư, là hổ mà cũng là người, hoang dã giao thoa lãng mạn, thế mới hấp dẫn và thích thú”, ông Lý Ngọc Minh mô tả quá trình sản xuất tượng Khát Vọng.

Mất cả năm trời ông cùng đội ngũ tìm kiếm hình thể học phù hợp dáng vẽ mỹ thuật, phác thảo dáng điệu, cơ bắp rồi phủ lông, cuối cùng là gương mặt. Vì để lột tả ý cười, hổ phải tiết chế nét hung dữ ở ánh mắt, khuôn miệng. Cải biên nhưng vẫn phải bám sát hình mẫu vì khi đã tả thực người xem sẽ đối chứng với những chú hổ họ từng thấy qua từ lông, mắt, mày, mũi…. Nếu hư ảo hay dụng ý quá đà sẽ thấy không giống, khán giả dễ nhầm thành tượng mèo, tượng báo. Vậy nên mọi chi tiết trên gương mặt được ông tính toán kỹ, kể cả vị trí của từng vệt lông, ria mép.

Nét rằn ri của từng vệt lông là thách thức của người thiết kế lẫn nghệ nhân trang trí. Với tính chất bất đối xứng, từng vệt có độ dài ra sao, đậm nhạt thế nào, nét nào cần uốn, chỗ nào cần gập… nhóm thiết kế không đếm nổi những lần phải chỉnh sửa. Lông trên lưng rất khó vẽ, cái khó còn nhân thêm gấp bội khi họa mặt.

Ông Minh lý giải, việc chọn lối pháp tả chân cho bức tượng cũng bởi vì màu da hổ đẹp quá. Cái đẹp này khơi gợi sự hứng thú và niềm yêu thích của một nghệ nhân duy mỹ như ông. Nhưng nhìn đẹp từng nào thì làm khó chừng ấy. Nếu lỡ thêm nhiều vệt lông sẽ cảm giác dày đặc rối rắm, nhưng nếu quá thưa lại khiến người nhìn thấy “thiếu thiếu, sai sai”.

“Tả thật giống cũng không được vì lông thật khác với lông trên sứ, mà không giống sẽ bị phản bác ngay. Tôi phải tìm vô vàn cách thức thể hiện, cuối cùng mới có một bộ lông như vậy. Nhìn phía sau thôi cũng tự thấy trầm trồ”, ông Lý Ngọc Minh bày tỏ.

Bộ lông không chỉ đơn giản phủ màu mà gồm nhiều lớp. Trong cùng là bộ lông mịn nâu vàng, phía trên nhấn nhá bằng họa tiết rằn ri, lưng điểm chi tiết vàng 24K lấp lánh. “Các lớp màu hòa quyện như chìm dưới men mà vẫn tạo nên độ bóng đẹp, nịnh mắt”, ông Minh mô tả.

Màu sắc chọn ra cũng không hề dễ dàng. Theo ông Lý Huy Sáng, dù có hình mẫu đó nhưng làm sao có thể sao chép hoàn toàn sự diễm lệ của thiên nhiên trên chất liệu gốm sứ? Vật liệu khác nhau sinh ra phản ứng ánh sáng, hiệu quả màu sắc sai biệt. Buộc phải thử đi thử lại nhiều lần, như lớp lông nâu vàng, nếu thêm tí rực nhìn thấy giả ngay, còn tối chút đi tượng sẽ ám buồn.

Chưa hết, bộ lông hổ không thuần một màu mà lưng sẽ đậm hơn, vùng bụng lại trắng. Người nghệ nhân lúc này có cơ hội khoe tay nghề trang trí cấp độ cao với kỹ năng đánh sáng tối ở từng bộ phận. Sự phức tạp cầu kỳ ấy khiến việc chế tác mất nhiều thời gian hơn, nhưng đổi lại bức tượng đạt độ hoàn thiện và chân thực cao nhất.

Người châu Á chuộng sắc vàng, vậy nên tượng cũng dát vàng 24K nhưng phải bố cục hợp lý, tránh sa đà quá nhiều. Thêm vật liệu quý hiếm, món quà dịp Tết sang trọng hơn, lời chúc cũng vì thế đầy trân quý.

Ngoài màu sắc mô phỏng bộ lông tự nhiên, tượng Khát Vọng có thêm họa tiết coban. Đây là một trong những đặc trưng của tượng Tết Minh Long, từng ứng dụng trên các mẫu linh vật trước và nhận phản hồi tích cực của khách hàng. Nhưng đưa lên tượng hổ, người nghệ nhân gặp khó vì hổ vốn có hoa văn riêng, nếu đường nét coban áp lên mà không trùng khớp, tượng sẽ không đạt.

“Mỗi chiếc áo, bộ lông đều vẽ thủ công, vì vậy không có hai chú hổ nào giống nhau hoàn toàn, từng bước tượng xuất xưởng đều là phiên bản độc nhất”, ông Sáng nói.

Kỹ thuật pha màu còn thể hiện trong bộ tượng An Lạc. Tượng có thân hoàng kim, áo khoác màu ngọc. Hoàng kim là màu hỏa biến, thách thức nhất vì tính không ổn định. Với các màu sắc khác, pha chế theo công thức, màu ra sẽ chuẩn sắc. Nhưng hỏa biến thì không, sinh ra từ phản ứng nhiệt, màu chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố, để khống chế các thông số ổn định là một bài toán đau đầu.

Thêm một thách thức là trong quá trình sản xuất luôn phải cân bằng giữa các yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật. Nếu muốn dễ làm dễ nung, tượng sẽ mang nét thô kệch. Nhưng nếu quá chú trọng mỹ thuật lại gây khó sản xuất, hiệu quả chi phí giảm đi.

Đơn cử dáng điệu của chú hổ ẩn chứa nhiều thông điệp, khi thì trên chóp núi nhìn xuống vùng trời, lúc ngồi thiền tĩnh tại hoặc tay vung, chân xếp vui tươi. Phần dáng nhìn vào phải đầy ý nhưng chi tiết càng nhiều lại càng thêm vất vả khi tạo hình, nung lửa, họa màu.

Có những vế cần ưu tiên, lại có những phần buộc phải lùi sau một chút. Như với tượng Khát Vọng, chân trước là phần mặt tiền nên cần đảm bảo tính mỹ thuật. Hai chân này tách rời để tạo thế uy nghi, dễ xảy ra sự cố sụm đổ khi nung. Ngược lại hai chân sau liền thành một cụm để tạo bệ đỡ, giảm tỷ lệ hư hỏng của chân trước, sản xuất thuận lợi hơn.

Còn với tượng Như Ý, lúc thiết kế ưu tiên về mỹ thuật nên sẽ có khó khăn trong sản xuất. Thế ngồi hai chân rời ra có khe nhỏ, tô màu rất “trần ai” vì đầu cọ phải đi vào giữa khe này nhưng màu không được lẫn giữa các bộ phận.

“Vẫn có những lúc phải ưu tiên mỹ thuật để diễn tả thông điệp nào đó hoặc hy sinh bớt triết lý nhằm giữ kỹ thuật trong tầm kiểm soát”, ông Sáng nói.

Trước khi giới thiệu sản phẩm mới với đối tác, ông Minh luôn hỏi người đối diện: “Bạn thấy bức tượng này thế nào, có điểm gì thích hay muốn thêm vào, bỏ bớt?”. Ông diễn giải thói quen đó xuất phát từ những lời tự nhủ: “Với khách hàng truyền thống, bức tượng tả chân như vậy có khiến họ hài lòng hay không? Nếu yêu phá cách, thông điệp đã đủ trọng lượng?”.

Minh Long vì thường đưa vào bộ tượng những chi tiết văn hóa, mang tính cộng đồng cho món quà như ngọc bội Như Ý với họa tiết cánh sen - quốc hoa Việt Nam; vàng 24K trên bộ lông, tràng hạt, đường nét gương mặt; màu sắc gợi cảm xúc…

Sự khác biệt của năm nay là số mẫu mã ít hơn, tập trung hơn để khách hàng đỡ “vất vả” trước quá nhiều lựa chọn. Ngoài tượng linh vật, người trẻ có thể chọn mua ly sứ in hình cặp hổ vui tươi, khay mứt, bình hoa bày biện dịp sum vầy quý giá.

Lắng nghe người dùng, tâm tình trong thời cuộc, chính là bí quyết để người nghệ nhân Minh Long gọi tên ước mơ, biến hóa thành tượng linh vật chứa giá trị tinh thần. Mong muốn cuối cùng là trên tay mỗi khách hàng có món quà văn hóa, nghệ thuật lẫn phong cách riêng; nét đẹp vượt biên giới, đi qua thời gian, người nhận dù tuổi tác bao nhiêu, giới tính thế nào cũng cảm tình, quý mến.

Trên hết, như thông điệp mà ông Lý Ngọc Minh từng nhắc nhiều lần, Minh Long bán ra không phải một bức tượng, mà là trao đến người dùng một nhân vật có nội hàm, cổ vũ những ước mơ, thay lời chúc tốt đẹp nhất.

Minh Long chế tác linh vật Tết Nhâm Dần

 

 

 

 

Share :

Viết bình luận