Cách bảo quản đồ gốm sứ
Đồ gốm sứ trên thị trường hiện nay rất đa dạng. Do vậy, người tiêu dùng cần có kiến thức nhất định khi mua đồ sứ, vì bát đĩa gốm sứ kém chất lượng cũng có thể gây ngộ độc.
Cách chọn đồ gốm sứ:
-
Khi mua dùng ngón tay gõ đồ sứ, nếu nghe thấy tiếng kêu coong coong như tiếng kim loại thì chúng là đồ tốt. Nếu nghe tiếng kêu đục và nặng thì đó là đồ chất lượng kém. Với bát ăn cơm, đĩa và khay bằng sứ có ba cách chọn: nhìn, gõ và úp.
-
Quan sát bề mặt ngoài của đồ vật để xem độ sáng, xỉn của mầu men, tươi tối, đậm nhạt của các hình vẽ và các điểm đen, vết rạn nứt hay không.
-
Dùng một que nhỏ gõ nhè nhẹ lên thành bát hay cạnh đĩa, khay. Nếu âm thanh phát ra nghe giòn, trong thì đó là đồ tốt, nếu âm thanh đục hay pha tạp thì chứng tỏ trên mình nó có vết rạn nứt nào đó mà bạn chưa nhìn ra.
-
Hãy úp ngược bát hay đĩa lên một mặt phẳng hay úp ngược chúng vào nhau để xem độ tròn méo như thế nào. Nếu đồ vật được tạo tròn trĩnh, cân đối thì úp khi xuống sẽ không thấy cong lệch. Ngoài ra cần chú ý, với bát ăn cơm nên chọn loại cao đế, vì như vậy sẽ tránh được bỏng tay và khi cầm thì dễ dàng thuận tiện hơn.
Bảo quản đồ gốm sứ:
Sau một thời gian sử dụng, đồ gia dụng bằng gốm sứ thường bị cáu bẩn và xỉn màu. Các cách sau đây sẽ giúp làm mới đồ gốm sứ:
-
Với cốc uống nước, bình, lọ, lấy bột có men dùng làm bánh mì pha với nước, lau qua một lần lên bề mặt. Một lúc sau dùng giẻ mềm lau lại. Đồ dùng sẽ sáng bóng trong nhiều tuần lễ.
-
Tuyệt đối không nên sử dụng máy rửa chén bát để rửa những đồ dùng bằng gốm, sành, sứ có hoa văn trang trí dễ bị phai.
-
Nên rửa đồ dùng bằng nước ấm và bằng nước rửa (có tính chất tẩy rửa nhẹ). Cẩn thận hơn, bạn nên để đồ dùng vào trong chậu nhựa được lót một tấm cao su dưới đáy để tránh bị vỡ trong trường hợp đồ dùng bị trượt khỏi tay. Rửa lại lần thứ 2 hoặc 3 với nước cùng nhiệt độ và dùng khăn sạch, mềm để lau khô trước khi cất.
-
Không nên sử dụng vải có thấm nước Javel để rửa sạch đồ dùng hoặc đồ vật trang trí bằng gốm sứ hiện đại, chúng sẽ bị xước dài.
-
Để chữa một vết nứt hoặc vết mẻ trên đồ gốm, trước tiên cần phải rửa vật dụng (thật cẩn thận và nhẹ tay) bằng nước rửa (tính chất tẩy rửa nhẹ), sau đó làm khô bằng máy sấy tóc. Nếu là đồ gốm dày, rạch thêm một chút vết nứt sau đó dán chúng lại bằng êpoxit, tiếp theo lau khô bằng một chiếc khăn tẩm cồn. Cột chặt vết rạn nứt bằng dây ít nhất 24 giờ.
Viết bình luận