20 năm theo đuổi giấc mơ làm đũa sứ của Minh Long I

Bài viết trích nguồn từ www.vnexpress.net:

 

Trong dáng vẻ mảnh mai mà bền bỉ của đôi đũa là hình ảnh đồng thuận, tương trợ nhau như cốt cách người Việt, nay có thêm diện mạo mới bằng sứ do Minh Long chế tác.

Một ngày cuối tháng 7, sau khoảnh khắc mân mê đôi đũa bằng sứ trong tay, ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty Minh Long gõ thật mạnh trên bàn, chà xát chúng vào nhau. Sứ vốn dễ vỡ, bởi vậy, ấn tượng đọng lại với những ai chứng kiến cũng đạt đến hiệu ứng mạnh nhất về một đôi đũa nhìn cứ ngỡ mong manh mà thực tế cứng cáp. Thành tựu này được tạo ra sau 50 năm không ngừng tìm tòi, hiểu tường tận các nguyên vật liệu để phối trộn ra công thức tối ưu.

Kỹ thuật cao làm người ta trầm trồ, còn những triết lý ẩn chứa bên trong đó phải nhiều lần dừng lại mà chiêm nghiệm. Với vị thuyền trưởng này, đôi đũa sứ như một bước tiến dài trong lộ trình thực hiện cuộc cách mạng cho sức khỏe, nối tiếp dòng sản phẩm nồi sứ dưỡng sinh nấu chín thức ăn không cần nước tạo tiếng vang trên thị trường trước đó. Đũa sứ ra đời, cũng là cách Minh Long nhất quán phương châm kinh doanh: không chỉ tạo nên vật dụng hữu ích, mà còn “trao ước mơ” về những sản phẩm chất lượng cao đến mọi người, để ai cũng có thể mua được đôi đũa sứ trắng sáng, bền đẹp với giá 55.000 đồng.

Ông Minh mê làm đũa, ngoài việc phong phú thêm cho bộ sưu tập, các sản phẩm đang có, còn vì những thông điệp làm người ẩn trong đôi đũa, mà mỗi người được dạy từ tấm bé.

20 năm trước, ông Minh đã dành tâm huyết chế tác đũa sứ. Ngoài thách thức kỹ thuật cần chinh phục, triết lý về đôi đũa trong văn hóa Á Đông còn hấp dẫn ông hơn rất nhiều. “Với tôi, khi đôi đũa sứ thành hình, đó không chỉ là niềm tự hào của doanh nghiệp về trình độ chế tác, còn gợi mở cho mọi người vô vàn giá trị văn hóa Việt và những triết lý sâu xa, mà bạn có thể từ từ chiêm nghiệm qua từng bữa ăn với những người thân yêu”, vị lãnh đạo trải lòng.

Truyền thống ngàn năm, khi ngồi xuống mâm cơm, việc đầu tiên người Việt Nam làm là so đũa. Đũa dài bằng nhau được ghép thành cặp, đưa cho người lớn tuổi rồi mới tới người nhỏ hơn. Đó là thứ lễ nghi được học từ nhỏ. Ngồi xuống cùng ăn, không phải cứ thấy gì ngon là đánh chén liên tục mà mỗi người đều phải biết “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Tức là ăn nhưng biết ước lượng những thức ăn có trên bàn, chỉ gắp vừa đủ, nhường nhịn người khác, phần nhiều hơn cho bà ngoại hay ốm đau, em út đang tuổi lớn... Mời khách đến nhà, họ khách sáo chẳng dám gắp nhiều thì vai vế làm chủ, mình phải để ý được bát cơm họ đầy hay vơi, đã có đồ ăn chưa. Trên bàn ăn nên bố trí khách ngồi chỗ nào, người lớn tuổi ngồi ra sao để tiện chiêu đãi, chuyện trò.

Mọi thứ luôn có âm dương, không tách bạch được mâu thuẫn. Đũa cũng vậy, một chiếc đứng yên, chiếc khác chuyển động. Một đầu tròn, đầu khác lại vuông. Âm dương hòa hợp là khi động - tĩnh phối hợp với nhau để gắp được món ăn như ý muốn. Nếu 2 cái cùng động thì không thể nào gắp được. Cũng như trời đất không thể chỉ có mỗi ban ngày hoặc mãi mãi chìm trong bóng đêm. Đũa nếu tròn hết thì đặt xuống không thể nằm yên, vuông vức 2 đầu thì không thể gắp.

Người Việt ngồi vào bàn ăn hầu hết sử dụng đũa, thế nên đứa trẻ được dạy cách gắp thức ăn làm sao để không rớt, vương vãi trên mặt bàn, quan sát cách mọi người ăn uống thế nào để gắp phù hợp… Học cầm đũa vì thế cũng là học về lễ phép, lễ giáo vào đời với mỗi người Việt. Qua bữa ăn, đối phương có thể phần nào hiểu được tính cách của người cầm đũa.

Ông Minh dùng chính câu chuyện của bản thân cùng con trai Lý Huy Sáng để làm minh họa. Trong một bữa ăn, khi món ăn vừa dọn lên, anh Sáng dùng đôi đũa chung, gắp phần cá ngon nhất và đặt vào trong bát của vị khách. Suốt bữa tiệc, vị khách này rất vui vẻ, rồi mở lời rằng nếu anh muốn tham quan nhà máy nào, ông sẽ luôn chấp thuận. Tức là qua cách ứng xử ấy, vị khách đánh giá tính cách của người đối đãi mình là lịch sự, biết quý trọng người khác, lễ phép… Từ đó cả hai bên tìm thấy sự đồng thuận, cởi mở khi làm đối tác của nhau. Điều này rất quan trọng, đến nỗi đã trở thành một trong 5 triết lý kinh doanh của Minh Long là: “hợp tác chân tình”. Ông Minh tin rằng ăn uống có lễ nghi cũng là cách để làm vừa lòng người đối diện. Một động tác ý nghĩa mà ai cũng nhìn thấy có giá trị hơn nhiều lời nói hoa mỹ không cách nào kiểm chứng.

Cùng nâng đũa trên tay, mời nhau miếng ngon, miếng lành đầu tiên là tâm ý của lòng tri ân, kính trên nhường dưới, chia sẻ yêu thương. Đôi đũa - đã mang trong nó hình ảnh gia đình đầm ấm. Nghệ nhân Lý Ngọc Minh đã mất hàng chục năm để kết tinh những điều dung dị ấy trong đôi đũa sứ.

Từ khi là cậu bé đến lúc trán thêm nhiều nếp nhăn, ông Lý Ngọc Minh chưa bao giờ thôi tò mò với thế giới. Chính niềm đam mê khám phá ấy đã dẫn ông đến những vùng sáng tạo mà ít ai đặt chân đến. Đũa sứ là một trong số đó.

Vào những năm cuối thế kỷ 20, ông cầm đôi đũa sứ đầu tiên trong đời ở một vùng tại Trung Quốc. Rồi sau này đi nhiều nơi, thử sử dụng các loại nhưng chưa có loại nào làm ông hài lòng vì giá quá cao, khó sử dụng. Ông nghĩ cách nhưng có quá nhiều khó khăn. Đũa sứ rất khó làm thẳng. Khi đã thẳng thì phát sinh nhiều vấn đề và giá rất cao. Ước mơ đành gác lại.

Kế thừa và thấu hiểu nguyện vọng của bố, người con cả Lý Huy Sáng cũng có chung tâm huyết lớn nhất là tạo nên sản phẩm vì sức khỏe. Đi đến đâu, Sáng cũng tìm mua đôi đũa chất lượng, tốt nhất về cho gia đình. Bảy năm trước, khi nhận thấy thời điểm đã chín muồi, doanh nghiệp tái khởi động dự án, tìm công thức sản xuất để tháo gỡ các khúc mắt mà trước đó chưa vượt qua được.

Nhược điểm lớn nhất của đũa sứ là dễ gãy, trơn, khó gắp. Lý Huy Sáng đưa ra ý tưởng khắc phục qua hàng loạt cách thức nhưng đều không khả thi. Trăn trở mãi, anh chiêm nghiệm ra rằng: “nút thắt ở đâu thì phải gỡ ngay chỗ đó”. Nếu đũa dễ gãy, thì phải làm sao để nó thật cứng, chắc. Và thứ quyết định sự cứng chắc này, cấu thành bởi 2 nhân tố: nguyên liệu và công nghệ sản xuất.

Thế nên, một trong những điều mà thế hệ lãnh đạo Minh Long làm nhiều nhất, là đi vòng quanh thế giới để tìm kiếm những mỏ khoáng sản mới. Bởi nguyên liệu để làm nên mọi sản phẩm gốm sứ cũng như một vở tuồng, nhiều nhân vật, mỗi nhân vật đảm nhận một vai trò. Tuồng hát có chính, có phụ thì đất đá cũng như thế, có dẻo, có cứng, thứ lại quyết định độ trắng, độ bóng… Phải am hiểu đến tận tường, phối trộn khéo léo chúng mới có thể liên kết với nhau để ra sản phẩm chất lượng nhất.

Cứng sau khi nung là chuyện hiển nhiên, nhưng cứng ngay ở giai đoạn tạo phôi, vừa ra khuôn có thể cầm nắm mà không gãy mới là điều khiến người nghệ nhân vất vả tìm kiếm. Chưa kể sản phẩm hoàn thiện phải đạt yêu cầu về thẩm mỹ, bề mặt trơn, bóng, mịn, có chiều sâu, nhìn như ngọc… Rồi nếu trộn không chuẩn, khi nung đất và men giãn nở không khớp, sinh ra rạn men hay những ứng lực không mong muốn khiến sản phẩm dễ gãy.

“Những điều này thuộc về triết lý, mà cũng là vật lý, sâu bên trong nữa là tạo hóa mà đôi lúc tôi cũng không hiểu vì sao”, ông Lý Ngọc Minh nói. Nhưng cũng như hai người ở bên cạnh mãi sẽ thấu hiểu tính cách nhau. Các loại vật chất cũng thế, cứ tìm tòi, nghiên cứu, lặp lại hàng nghìn lần sự thử nghiệm, học hỏi từ tạo hóa, bản thân sẽ tự khắc vỡ ra bao nhiêu quy luật và thông tuệ.

Cuối cùng, sau nhiều tháng ngày miệt mài, Minh Long đã tìm ra công thức đất phù hợp nhất với 15-16 thành phần phối trộn theo một tỷ lệ nhất định. Quá trình sản xuất đại trà đôi đũa sứ bắt đầu vào năm 2018, với những kỹ thuật mới chưa từng áp dụng ở bất kỳ sản phẩm nào trước đó của đơn vị này.

Để làm được đôi đũa gia dụng, có 3 câu đố phải đi tìm lời giải: sản xuất số lượng lớn; giá phù hợp; dễ sử dụng, cứng chắc. Vế đầu tiên của lời giải chính là công thức đất và phần còn lại phụ thuộc vào kỹ thuật chế tác.

“Hiện nay trên thế giới chỉ có 2 hãng dám làm đũa sứ để bán, một là Minh Long, hãng còn lại ở Đức”, ông Minh cho biết. Tuy cùng là chiếc đũa sứ nhưng điểm khác biệt của Minh Long chính là dùng vật liệu porcelain và kỹ thuật đốt một lần ở nhiệt độ 1.380 độ C, phức tạp hơn hẳn quá trình đốt 2 lần. Đũa nhất định phải thẳng, đây là yêu cầu cao nhất và cũng là kỹ thuật khó nhất mà qua hàng trăm lần thử nghiệm mới thu được kết quả khả quan: nghìn cây đũa ra lò, thẳng tăm tắp như một.

Với hình dáng đặc thù là một đường thẳng, men phủ toàn bộ bề mặt nên đũa sứ cũng được áp dụng cách nung khác biệt: treo lên thay vì đặt trên khay lúc đi qua lò đốt. Để đôi đũa thẳng tắp, cần phân định rõ quá trình thực hiện lúc nào cần dùng tay người, khi nào mới sử dụng máy móc. Hiện các sản phẩm khác của Minh Long, con người chỉ tham gia khoảng 5%. Còn ở đũa sứ, độ tỉ mỉ được nhân lên gấp nhiều lần, vậy nên con người đóng góp vào 30% của quy trình sản xuất như gỡ đũa ra khỏi khuôn, nhúng men, đưa vào nung…

Mặt đũa bóng láng, không tì vết đòi hỏi tính chính xác cao của việc làm khuôn. Khuôn không được có độ hở mà gần như khít tuyệt đối, để sau khi lấy phôi ra, đường ráp khuôn sẽ mỏng như tờ giấy, xóa nhẹ là không còn dấu vết. Vì thế, chất lượng khuôn được kiểm soát nghiêm. Tất cả khuôn đều có mã vạch để quản lý chu kỳ sử dụng, thời gian, hiện trạng, lúc nào cần bỏ đi...

Khắt khe như vậy là vì “đồ sứ có bộ nhớ rất dai”. Trong quá trình tạo hình, chỉ cần vô tình khiến một chi tiết méo đi, dù có chỉnh lại như ban đầu thì khi nung ra sản phẩm vẫn sẽ méo. Mà đã nung rồi thì không thể sửa đổi, hỏng là phải bỏ. Do đó, từ khi là một cục đất đến lúc đã có hình hài, dù ở công đoạn máy chỉnh hay người làm, mọi quy trình đều được kiểm soát tỉ mỉ nhất. Kể cả người thợ đứng chỉnh máy cũng phải có tay nghề cao, am hiểu kỹ thuật để khi nhập các thông số sẽ đảm bảo tỷ lệ thành công cao nhất.

Đũa là vật dụng đưa trực tiếp thức ăn vào miệng. “Có khi món ăn ngon quá, ta thích thú mút đầu đũa một hai lần cho đã. Nên nếu không an toàn, vô tình cái gần gũi nhất lại trở thành nơi truyền bệnh”, ông Minh nói.

Hiện nay dùng đũa nhựa trong môi trường nóng, thời gian dài sẽ biến dạng và sinh ra các chất có hại cho sức khoẻ. Loại đũa gỗ chất lượng kém thì không trơn láng dễ bị bám thức ăn, rửa không sạch vi trùng sẽ là nơi nấm mốc phát triển… Đũa sơn có thể chứa kim loại nặng, phụ gia độc hại. Đũa kim loại dù an toàn hơn nhưng nặng, khó sử dụng.

“Ngày xưa, chén ngọc đũa ngà được dùng trong các gia đình quý tộc ngoài ý nghĩa của sự giàu sang còn có lợi ích diệu kỳ với sức khỏe. Ngày nay, với kỹ thuật chế tác nhiều đột phá của mình, chúng tôi không dùng đến ngọc, ngà voi nhưng vẫn tạo ra những sản phẩm đạt hiệu ứng thẩm mỹ kèm tính năng thiết thực, với giá bán phù hợp với đại đa số người dân”, Lý Huy Sáng nói.

Còn theo ông Minh, đũa sứ, trong điều kiện sử dụng hàng ngày, dù có dùng gia vị mạnh đến đâu cũng không có chất xúc tác nào ăn mòn được. Thế nên lúc nấu nướng, đưa đũa vào chảo dầu, nước sôi cũng không tiết ra chất độc. Ngậm vào miệng thì sẽ không bị ám mùi của chất liệu như gỗ, inox, mùi ẩm mốc...

“Bát sạch ngon cơm”, thế nên mâm cơm sẽ thêm phần hấp dẫn khi cầm trên tay một đôi đũa sứ láng bóng, sạch sẽ. Mặt đũa phủ men nano, không thấm, hút bất cứ gia vị hay món ăn nào. Nếu là một tín đồ ẩm thực nghiêm ngặt, đôi đũa này còn có khả năng chiều chuộng vị giác, khi giúp hương vị của các món hoàn toàn tách biệt, không trộn lẫn.

Khí hậu Việt Nam đặc trưng nóng ẩm nhưng đũa sứ không bị ẩm mốc, vi khuẩn cũng khó sinh sôi, dễ chùi, khô nhanh. Sản phẩm không bị cong vênh, không có dài ngắn chênh lệch. Chỉ trừ khi rơi từ cao xuống thì sẽ gãy, còn nếu bảo quản cẩn thận, đũa sẽ luôn bền mới đến hàng chục năm.

“Kể từ khi lớn tuổi, tôi bắt đầu thấy sức khỏe quan trọng. Vậy nên mọi vật dụng trong nhà đều phải chú ý tỉ mỉ, làm sao để hạn chế sự độc hại, tăng dưỡng chất. Khi ăn uống và có lối sống hợp lý, mỗi người có thể giảm được rất nhiều nguy cơ bệnh tật”, ông Minh nhắn nhủ.

Không chỉ hướng tới sản phẩm đơn thuần, Minh Long còn muốn đôi đũa, vốn chứa đựng triết lý về cuộc sống và giúp bữa ăn ngon, trở thành quà tặng ý nghĩa. Vì vậy, ngay cả khâu đóng hộp giấy cũng cầu kỳ, in bài thơ để người dùng thấu hiểu rõ hơn những thông điệp gửi gắm bên trong. Bài thơ nhiều chủ đề về tình yêu, tình cảm gia đình, bạn bè; bên trong thay vì một tờ giới thiệu sản phẩm sẽ là một đoạn diễn giải ý nghĩa.

Từng có một vị đạo diễn, dùng chữ “tâm” khi ghi lại một phần hành trình mà ông Lý Ngọc Minh đã trải qua. Và suốt những thập kỷ vừa qua, ông chủ của hãng gốm sứ đảm nhận rất nhiều vai trò, từ người làm trực tiếp đến tổng công trình sư, cũng tự nhận luôn làm với một chữ “tâm” như thế. Những năm gần đây, ông dần lui về phía hậu trường để thế hệ kế tiếp có thêm vùng đất trình diễn, sản phẩm có thêm nét trẻ trung, hiện đại, mang tính đại chúng hơn.

Nhưng dù là ông Minh hay đội ngũ kế nhiệm, lãnh đạo Minh Long vẫn luôn nói về triết lý “Nghĩ bằng đầu, làm bằng trái tim”. Khi chia sẻ về đôi đũa sứ, Lý Huy Sáng không nói về lợi nhuận hay doanh số bán ra. Điều duy nhất anh đề cập là mong muốn những đóng góp của Minh Long sẽ tạo nên thay đổi tích cực cho xã hội, mọi người có một bữa ăn trọn vẹn, tốt cho sức khỏe, gia đình thêm gắn kết.

Share :

Viết bình luận